PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân – Trưởng Khoa Đô thị học tham dự Hội nghị tổng kết với vai trò đại biểu HĐND TP.HCM, đơn vị Gò Vấp, là người đồng hành với chương trình, thực hiện lời hứa với bà con cử tri về quan tâm và có những hành động thiết thực góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân Gò Vấp: vận động quà Tết cho bà con nghèo; vận động học bổng từ các tổng lãnh sự ASEAN, các doanh nghiệp; chia sẻ, giao lưu với chị em phụ nữ về gia đình hạnh phúc, nâng cao quyền năng của phụ nữ trong bối cảnh CMCN 4.0.
Chương trình đã trao 37 suất học bổng Nguyễn Thị Minh Khai cho các em học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 9 em học sinh Tiểu học, 19 em học sinh THCS, 8 em học sinh THPT và 1 em sinh viên Đại học; đồng thời trao giải cuộc thi viết cảm nhận về chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai, chủ đề "Vươn tới những ước mơ".
Chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai của Hội LHPN quận Gò Vấp được hình thành và ra đời năm 1990 từ sáng kiến thành lập Quỹ học bổng mang tên chị Nguyễn Thị Minh Khai của Hội LHPN Quận 5 và Nghị quyết Đại Hội Đại biểu Phụ nữ Thành phố lần V (1991-1996). 30 năm qua, các cấp cơ sở Hội từ quận đến phường luôn sáng tạo, đổi mới phương thức vận động để chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai ngày một bền vững như: gắn chương trình với phát động phong trào "Nuôi heo đất" hưởng ứng cụộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”, phát động thực hiện công trình “Góc học tập", "Phương tiện đi lại"… Đến nay, đã có hơn 18.300 lượt học sinh quận Gò Vấp nhận học bổng từ chương trình với tổng số tiền hơn 9,3 tỷ đồng. Giá trị học bổng cũng được đầu tư nâng chất lượng theo từng năm, đến nay học bổng Nguyễn Thị Minh Khai cho các cấp học trị giá từ 1,5 triệu đến 3 triệu đồng.
Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng Ban Dân vận Quận ủy Trần Thị Thanh Nhàn đánh giá: Qua 30 năm thực hiện, chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai đã mang lại hiệu quả thiết thực, thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội và hệ thống chính trị; huy động được đông đảo mọi tầng lớp trong xã hội đồng tình hưởng ứng và xem đây là những việc làm cụ thể để quan tâm chăm sóc thế hệ trẻ, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Vì lợi ích mười năm trồng cây, Vì lợi ích trăm năm trồng người”.
Giáo dục đạo đức, nhân cách luôn được các thầy cô khoa Đô thị học quan tâm, lồng ghép qua các môn học, các hoạt động ngoại khóa của các câu lạc bộ.
Một số hình ảnh tại Hội nghị:



Khoa Đô thị học