Chuyến đi thực tập thực tế bắt đầu từ ngày 14 cho đến hết ngày 19/12/2020.
TS. Sơn Thanh Tùng – Trưởng Bộ môn Quản lý đô thị và dự án làm Trưởng đoàn, ThS. Trương Thanh Thảo - Phó trưởng đoàn cùng các thành viên: ThS. Võ Thanh Tuyền – Phó trưởng khoa Đô thị học, ThS. Nguyễn Hải Nguyên, ThS. Trần Thị Ngọc Nhờ.
Mục tiêu chuyến thực tập là đánh giá tính “đáng sống” của thành phố Hội An.
- Chương trình thực tập như sau:
- +Ngày 1: Sinh viên nhận phòng, ổn định chỗ ở
- +Ngày 2: Di chuyển đến địa bàn nghiên cứu và thực hiện khảo sát
- +Ngày 3: Xử lý thông tin, dữ liệu, chuẩn bị bài trình bày báo cáo
- +Ngày 4: Trình bày clip và báo cáo kết quả đề tài nghiên cứu
- +Ngày 5: Tham quan tìm hiểu thành phố Đà Nẵng
- +Ngày 6: Di chuyển về TPHCM
Để đánh giá một thành phố có đáng sống hay không dựa trên rất nhiều yếu tố và cơ sở vững chắc để đo lường đó chính là bộ chỉ số về Hội An. Bộ chỉ số bao gồm 5 tiêu chí lớn: 1/tiêu chí về quản lý, 2/ tiêu chí về cơ sở hạ tầng và môi trường đô thị, 3/ là tiêu chí về văn hóa xã hội, 4/ tiêu chí phát triển con người, và 5/ tiêu chí về kinh tế - xã hội. Ở mỗi tiêu chí lớn sẽ bao gồm những chỉ số đo lường nhỏ hơn. Dựa vào bộ chỉ số, sinh viên có thể đánh giá được những ưu điểm cũng như những hạn chế còn thiếu sót để từ đó có thể đề xuất những kiến nghị phát triển Hội An ngày một tốt hơn và đề xuất những giải pháp khắc phục những chỉ số chưa tốt hướng đến một thành thành phố đáng sống qua những giá trị nhân văn và con người.
Vì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc triển khai thực hiện các phương pháp nghiên cứu cũng gặp nhiều bất cập. Do đó phương pháp được sử dụng chủ yếu trong nghiên cứu lần này là phương pháp quan sát và phân tích văn bản để tránh tiếp xúc trực tiếp với người dân địa phương. Các địa bàn thực hiện khảo sát bao gồm các phường và xã: Minh An – Sơn Phong, Thanh Hà, Cẩm Châu, Cẩm Hà, Cẩm Kim, Cẩm Nam, Cẩm Thanh, Cẩm Phô – Tân An.
Qua quá trình nghiên cứu, các sinh viên đã có những nhìn nhận rất cặn kẽ và xác thực về Hội An. Các phát hiện chính cho thấy tại các khu vực trung tâm, điều kiện cơ sở vật chất – hạ tầng kỹ thuật và xã hội đã phát triển và “đáng sống”. Trong khi đó, tại những địa bàn vùng ven, cơ sở vật chất - hạ tầng chưa phát triển đầy đủ để đáp ứng các nhu cầu sống của cư dân. Đặc biệt, có một điểm chung về dấu ấn ở Hội An mà các nhóm nghiên cứu đều xác nhận đó là con người và môi trường sống. Người Hội An chất phát, hiền lành và dễ thương. Môi trường sống ít xảy ra những tệ nạn. Bên cạnh đó cảnh quan môi trường cũng làm con người cảm thấy dễ chịu hơn sau những giờ làm việc mệt mỏi. Các hoạt động du lịch và sản xuất nông nghiệp tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thu nhập cho người địa phương. Ngoài ra, các hoạt động văn hóa và bảo tồn di sản thường xuyên được tổ chức. Công tác quản lý đô thị được thực hiện nghiêm túc và tác phong của cán bộ viên chức rất có trách nhiệm và thân thiện.
Đặc biệt cảnh quan trên các con đường của phố cổ sẽ tác động rất nhiều đến tính cách và tâm hồn con người. Với vẻ đẹp bình dị trầm mặc ngàn năm hoài cổ, an nhiên, dòng thời gian nơi đây gần như lắng đọng lại trong từng phút giây, làm du khách hồi tưởng về quá khứ thịnh vượng của đô thị này.
Mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, tập thể giảng viên và sinh viên năm 4 Khoa Đô Thị Học đã có chuyến thực tập thực tế vô cùng ý nghĩa với nhiều bài học chuyên môn cũng như cảm xúc và kỷ niệm không bao giờ có thể quên.
Một số hình ảnh thực tế từ chuyến đi:

Hình 1: Giảng viên và sinh viên chụp hình lưu niệm tại Hội An

Hình 2: Giảng viên và sinh viên chụp hình lưu niệm tại bán đảo Sơn Trà

Hình 3: Giảng viên và sinh viên chụp hình lưu niệm tại Đà Nẵng
Khoa Đô thị học.